Ðắm say điệu múa chim Grứ của người Ê đê

Điệu múa chim Grứ (chim đại bàng) của người Ê đê là một trong những điệu múa phổ biến trong các lễ hội lớn hay trong nghi lễ cúng Giàng, cầu khấn các thần linh mà người Ê đê coi là thần hộ mệnh cho con người. Đặc biệt trong lễ bỏ mả (lui msát), thông qua động tác múa, người Ê đê thể hiện lời chào từ biệt của người còn sống đối với người đã khuất.

Quan niệm của người Ê đê về chim Grứ

Người Ê đê quan niệm chim Grứ biểu hiện cho sức mạnh dồi dào. Chỉ có chim Grứ mới có thể bay cao nhất trong các loài chim nên động tác múa chim Grứ hoàn toàn mô phỏng theo cánh chim đang bay lượn. Chim Grứ còn thể hiện quan niệm tâm linh của người Ê đê: những người đã qua đời chỉ là chết về thể xác, còn linh hồn của họ vẫn quanh quẩn đâu đó. Có lúc thì vô hình, có khi lại hiện hữu, thông qua hình dạng những con vật như đại bàng, con bướm hay con nhện mà sau bảy lần biến hình, sẽ lại được đầu thai trở lại làm người… Hình ảnh chim Grứ được người Ê đê tin là linh thiêng nhất, nên chim Grứ thể hiện mối quan hệ giao thoa giữa người sống với linh hồn những người đã chết.

Chim Grứ được coi như là phương tiện đưa linh hồn người chết về thế giới của tổ tiên; đồng thời cũng là hình ảnh thể hiện linh hồn của ông bà tổ tiên đến thăm con cháu trong những ngày có lễ hội và bảo vệ những người đang sống. Vì thế, khi múa, người ta đưa tay lên uốn lượn để người xem tưởng tượng ra như cái đầu hoặc đôi cánh của chim đại bàng đang bay lượn trên bầu trời. Điệu múa như mời gọi các vị thần linh, các linh hồn của người đã khuất về tham gia lễ hội cùng với buôn làng, với gia đình.

Các cô gái Ê đê uyển chuyển, dịu dàng, phỏng theo điệu múa của chim Grứ

Hình thức thể hiện

Múa chim Grứ có hai hình thức thể hiện cơ bản: Một là chỉ dùng tay biểu diễn, sử dụng sự uyển chuyển của cổ tay, đưa đẩy, chuyển động cả cánh tay tùy tình huống, ý nghĩa của việc lễ hội. Tùy theo lễ hội mà người biểu diễn múa đưa tay lên bao nhiêu lần. Chẳng hạn, trong lễ cúng cột nêu, nếu cúng ba cột nêu, thì những người múa làm động tác xòe tay sát dọc theo hai bên thân hình đưa lên đưa xuống ba lần, giống như con đại bàng ba lần vỗ cánh trước khi bay. Nếu cúng 5 ché, phải đưa lên xuống 5 lần, hai là tay giơ cao quá đầu, chân nhón lên bước nhẹ nhàng lướt qua trước ghế Kpan (lễ cúng rước Kpan) và sau ché rượu (trong lễ cúng chúc phúc).

Động tác múa là sự kết hợp giữa đôi tay và đôi chân để luôn tạo ra sự mềm mại, uyển chuyển. Các nghệ nhân có thể biểu diễn điệu múa sao cho phù hợp với tính chất của lễ hội. Những nghệ nhân múa say sưa lúc thì tay đưa lên cao, lúc thì giang ngang, xòe ra uyển chuyển. Ba ngón tay giữa gập xuống, hai ngón út và ngón cái vẫn giữ nguyên vị trí, cổ tay chuyển động theo sự di chuyển của bàn chân và thân hình, tưởng tượng lúc như đôi cánh của con chim Grứ đang vỗ dập dìu lao vút lên trên bầu trời xanh thăm thẳm của cao nguyên; lúc như chiếc đầu chim đang xoay sang trái, sang phải đưa cặp mắt sáng quắc quét qua toàn bộ khung cảnh xung quanh.

Điệu múa chim Grứ trong lễ cúng rước Kpan

Điệu múa chim Grứ được sử dụng trong lễ cúng rước Kpan. Khi ghế Kpan được đưa lên nhà sàn hòa trong âm thanh vang rộn của trống, chiêng ngân vang, các nghệ nhân múa chim Grứ bắt đầu biểu diễn với tiết tấu nhanh, chậm theo nhịp chiêng, có lúc như thác đổ giục dã, vui nhộn, có lúc uyển chuyển nhẹ nhàng bay bổng. Người Ê đê tin rằng đó là lúc các nghệ nhân thay lời gia chủ hoặc buôn làng, chuyển lời khẩn cầu được phù hộ hoặc mời gọi đến các vị thần và linh hồn tổ tiên. Đến khi tiếng trống tạm dừng, tiếng chiêng dần dần giảm nhẹ âm lượng và ngừng hẳn thì các cô gái cũng đã múa xong.

Điệu múa với đội hình số lẻ

Điều đặc biệt ở điệu múa chim Grứ là chỉ được múa với đội hình số lẻ 3, 5, 7 hoặc 9 người. Người múa trước đây thường là những người đàn bà lớn tuổi, trang trọng. Sau này, đội hình múa dần dần được trẻ hóa, là những cô gái xinh đẹp, thân hình thon thả, đầy sức sống. Điệu múa chim Grứ luôn hòa quyện với âm thanh dồn dập rộn ràng của dàn chiêng (ching knah) làm cho lễ hội thêm sôi nổi và lễ cúng càng thêm trang trọng.

Nguồn: http://nongthonmoi.daknong.gov.vn/wp-admin/post-new.php