Đắk Nông chậm giải ngân hàng trăm tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia

NDO – Đến đầu tháng 11 năm nay, nguồn vốn đầu tư thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Đắk Nông vẫn chưa được giải ngân. Nguyên nhân chậm được Đắk Nông xác định là do các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa hoàn thiện xong các thủ tục pháp lý. Mặt khác, ngân sách Trung ương phân bổ chậm và mức kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu.

 
Người dân địa phương, nhất là vùng dân tộc thiểu số, đang mong chờ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia.
Người dân địa phương, nhất là vùng dân tộc thiểu số, đang mong chờ nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Đắk Nông thụ hưởng 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình Xây dựng nông thôn mới; Chương trình Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình Giảm nghèo bền vững.

Ngày 30/6/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 1078 về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 với tổng số tiền hơn 758 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương đầu tư gần 585 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 174 tỷ đồng.

Thế nhưng, do các cơ quan, đơn vị, địa phương ở Đắk Nông chậm hoàn thiện các thủ tục pháp lý nên đến nay, hàng trăm tỷ đồng nguồn vốn đầu tư thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên vẫn chưa được giải ngân.

Nguyên nhân vướng mắc dẫn đến việc giải ngân chậm được các cơ quan, đơn vị, địa phương ở Đắk Nông lý giải là do ngân sách Trung ương phân bổ chậm và mức kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu.

Cụ thể, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ vốn đối ứng từ nguồn ngân sách địa phương rất lớn, phải huy động nhiều từ người dân nên khó thực hiện. Mặt khác, các văn bản hướng dẫn thực hiện còn chung chung, nhất là về các định mức hỗ trợ.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuy Đức Trần Vĩnh Phú cho biết, các văn bản hướng dẫn còn chung chung nên khó thực hiện. Cụ thể, như, việc hỗ trợ gạo cho người dân tộc thiểu số bảo vệ rừng thì hiện nay chưa có định mức là hỗ trợ bao nhiêu; về phát triển giáo dục và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa có văn bản về danh mục, thiết bị đào tạo tối thiểu cho từng ngành nghề đối với trình độ sơ cấp dưới 3 tháng; về việc đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về định mức hỗ trợ tối đa; việc xuất khẩu lao động chỉ còn vài tháng cuối năm nên hầu hết lao động có tư tưởng ở nhà đón Tết không muốn đi xuất khẩu lao động;… Vì vậy, ông Phú kiến nghị được chuyển nguồn qua năm 2023 thì địa phương mới có thể triển khai được.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Glong Đoàn Văn Phương cho biết, ngoài việc vướng mắc do thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể, việc thực hiện một số nội dung các chương trình mục tiêu quốc gia còn vướng do tỉnh Đắk Nông chưa thực hiện xong quy hoạch kế hoạch sử dụng đất. Đến đầu tháng 11 năm nay, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của huyện và tỉnh Đắk Nông vẫn chưa phê duyệt, dẫn đến việc hỗ trợ nhà ở rất khó khăn.

 

Theo ông Phương, muốn hỗ trợ nhà ở thì phải có đất ở, trong khi đó quy hoạch kế hoạch sử dụng đất chưa được phê duyệt, đồng nghĩa với việc chưa xác định đất trên thực tế thì không thể giải ngân nguồn vốn được. Ngoài ra, đối với các đối tượng nằm trong diện được hỗ trợ đất sản xuất thông qua các chương trình đến nay vẫn chưa thực hiện được vì chưa có định mức cụ thể.

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc cả về chủ quan và khách quan nêu trên, mới đây, trong buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đắk Nông kiến nghị các bộ, ngành Trung ương báo cáo Chính phủ xem xét trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện các dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 được tiếp tục thực hiện trong năm 2023.

Ghi nhận, thảo luận và trao đổi những kiến nghị của tỉnh Đắk Nông, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính, tiền tệ – Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Ngọc Hưng nhấn mạnh, các sở, ngành và địa phương của Đắk Nông cần chủ động tham mưu những giải pháp thực hiện sáng tạo, phù hợp với thực tiễn. Theo tinh thần của Nghị định 27 và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đã đẩy mạnh phân cấp trao quyền cho địa phương, nên ở mỗi địa phương sẽ có những cách làm khác nhau. Tuy nhiên, dù cách làm nào, vẫn phải bảo đảm mục tiêu cuối cùng là đã phân cấp trao quyền thì địa phương phải chủ động xây dựng các quy trình thực hiện đúng các quy định của pháp luật; phát huy tính sáng tạo chủ động, mỗi địa phương có cách làm khác nhau, không áp đặt khung chung cho tất cả, nhất là khu vực Tây Nguyên lại có đặc thù riêng về bản sắc văn hóa, vị trí địa lý.

Cũng theo ông Hưng, trên tinh thần của Nghị định 27, mỗi địa phương phải chủ động hơn nữa trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn cụ thể thì mới triển khai thực hiện nhanh được.

Các chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương giai đoạn 2021-2025. Trong khi các địa phương trong tỉnh khát vốn; người dân phải sống trong môi trường dột nát, tạm bợ, thiếu đất sản xuất; các công trình, dự án phục vụ nhu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân không thể triển khai,… thì hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách vẫn không thể giải ngân.

Sự chậm trễ này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, làm ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả, ý nghĩa của các chương trình, nhất là điều kiện phát triển đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguồn:  https://nhandan.vn/dak-nong-cham-giai-ngan-hang-tram-ty-dong-von-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-post724021.html