Đắk Nông: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới

 

 
Tỉnh Đắk Nông xác định việc thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần thành công xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025.

Đến nay, toàn tỉnh có 47 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP, trong đó: 42 sản phẩm 3 sao và 5 sản phẩm 4 sao; năm 2022 dự kiến có thêm 15 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ đưa tất cả sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Hàng năm, tổ chức hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm; tham gia các hội chợ, sự kiện giới thiệu quảng cáo kết nối bán sản phẩm OCOP do Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tổ chức; ban hành Sổ tay chương trình OCOP, xây dựng chuyên mục trên báo, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đắk Nông; tư vấn hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP; hỗ trợ tem nhãn, mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý ở các cấp và các chủ thể sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP theo hình thức trực tuyến.

Ông Phan Văn Sinh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Đắk Nông chia sẻ: “Từ năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Hoàng Nguyên được thành lập đã tập hợp nhiều nông dân có nhiều kinh nghiệm để trồng hồ tiêu hữu cơ.

Đến nay, sản phẩm hồ tiêu của HTX đã được chứng nhận hữu cơ theo các tiêu chuẩn của Nhật Bản, Mỹ, EU, Canada và đạt OCOP hạng 3 sao. Hiện, HTX có trên 195ha hồ tiêu của 65 thành viên được chứng nhận hữu cơ quốc tế. Hàng năm, HTX cung cấp hàng trăm tấn sản phẩm hồ tiêu hữu cơ cho các công ty trong nước và xuất khẩu. Nhờ chất lượng tốt, sản phẩm hồ tiêu của HTX luôn ổn định đầu ra, giá bán cao hơn nhiều các loại hồ tiêu trên thị trường.Đắk Nông có diện tích hồ tiêu rất lớn. Đây là lợi thế để HTX khai thác, nâng cao giá trị cho sản phẩm hồ tiêu. Những năm qua, Hợp tác xã luôn mua sản phẩm hồ tiêu của thành viên với giá cao hơn thị trường, có thời điểm cao hơn 160%.

Ngoài hiệu quả kinh tế nổi trội cho thành viên, vào những thời điểm dịch bệnh Covid-19 làm cho thị trường nhiều loại nông sản bị “tê liệt”, sản phẩm hồ tiêu của HTX vẫn tiêu thụ thông suốt. Năm 2021, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, HTX vẫn bán hồ tiêu hữu cơ với giá trung bình 95 triệu đồng/tấn, có thời điểm 120 triệu đồng/tấn tiêu đen hữu cơ… Không riêng sản phẩm hồ tiêu hữu cơ, hầu hết sản phẩm được chứng nhận OCOP đều gia tăng về mặt giá trị, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.

Ông Phan Văn Sinh (thứ 2 bên trái), Phó Chánh văn phòng chuyên trách, văn phòng điều phối NTM Đắk Nông kiểm tra tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil.

Ông Phan Văn Sinh (thứ 2 bên trái), Phó Chánh văn phòng chuyên trách, văn phòng điều phối NTM Đắk Nông kiểm tra tại xã Thuận An, huyện Đắk Mil.

Kết quả đánh giá của các địa phương cho thấy, doanh thu của sản phẩm OCOP tăng bình quân 26%/năm. Ngoài ra, các sản phẩm cũng có giá bán tốt hơn sau khi được chứng nhận OCOP, nổi bật là: Sản phẩm tiêu đen hữu cơ của HTX Hữu cơ Hoàng Nguyên; hạt mắc ca Như Ý của hộ kinh doanh Như Ý; “Mắc ca M’nông” của HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực; gạo ST25 của HTX Lúa gạo Buôn Choáh; cà phê của HTX Phát triển nông nghiệp Công Bằng Thanh Thái…

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 47 sản phẩm của 41 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ các huyện, thành phố, trong đó: 5 sản phẩm OCOP hạng 4 sao, 42 sản phẩm hạng 3 sao. Các sản phẩm được công nhận OCOP đều có tính đặc trưng, tiêu biểu của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh; dự kiến hết năm 2022 có thêm 15 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên.

Thời gian qua, việc triển khai Chương trình OCOP được các cấp, ngành và địa phương thực hiện lồng ghép với dự án, chương trình mục tiêu quốc gia và đạt kết quả tích cực. Trong đó, cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách đồng hành với các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP. Hàng năm, ngành chuyên môn, địa phương thường xuyên tổ chức hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm OCOP; tổ chức cho các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ, sự kiện để giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm…

Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình OCOP, tỉnh Đắk Nông đã đạt kết quả bước đầu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần quan trọng xây dựng thành công NTM ở Đắk Nông.

Nguồn: https://baodansinh.vn/dak-nong-phat-trien-san-pham-ocop-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-20230131093209.htm