Cơ hội để "nâng tầm" cây bơ Ðắk Nông

rong các ngày từ 12-14/3 vừa qua, tại chuyến thăm New Zealand, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Nguyễn Bốn đã ký kết Thỏa thuận hợp tác phát triển quả bơ tại tỉnh Đắk Nông với các bên, bao gồm, Cơ quan Hợp tác Chính phủ New Zealand (G2G),
 Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm và Công ty cổ phần SAM Nông nghiệp công nghệ cao (Samagritech).

Phóng viên (PV) Báo Đắk Nông có cuộc trao đổi với ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, thành viên tháp tùng đoàn tham gia chuyến thăm tại New Zealand về một số vấn đề xung quanh nội dung thỏa thuận hợp tác này.

Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT

PV: Qua chuyến thăm và thực hiện ký kết thỏa thuận tại New Zealand vừa rồi, ông đánh giá như thế nào về cơ hội của cây bơ Đắk Nông?

Ông Lê Trọng Yên: Phải khẳng định rằng, rất vinh dự cho tỉnh Đắk Nông, một trong những địa phương được Cơ quan Hợp tác Chính phủ New Zealand (G2G), Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm và Công ty cổ phần SAM Nông nghiệp công nghệ cao (Samagritech) lựa chọn làm đối tác. Đây là một trong những cơ hội, lợi thế để chúng ta xác định được một cây trồng, ngành hàng chủ lực của tỉnh. Thực tế, với địa hình, thổ nhưỡng của tỉnh Đắk Nông rất phù hợp với nhiều loại cây trồng, trong đó có cây bơ. Hiện nay, tổng diện tích bơ trong toàn tỉnh vào khoảng hơn 1.500 ha. Trong đó, có hơn 300 ha diện tích bơ được trồng chuyên canh, còn lại là trồng xen với các loại cây trồng khác như tiêu, cà phê. Qua các đợt khảo nghiệm, thử nghiệm, cũng như những kết quả đạt được trong các năm qua cho thấy, tỉnh Đắk Nông rất có lợi thế để phát triển các giống bơ như: Bơ 34, bơ 36, bơ booth, bơ Hass… Thông qua chương trình ký kết này, đối tác sẽ hỗ trợ nguồn kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng để nghiên cứu, lựa chọn, đầu tư phát triển cây bơ tại tỉnh Đắk Nông. Từ đây, chúng ta có thể hi vọng, trong thời gian không xa nữa, cây bơ Đắk Nông sẽ có cơ hội phát triển trên thị trường trong và ngoài nước.

PV: Thực chất nội dung của thỏa thuận và lộ trình thực hiện thỏa thuận ký kết là như thế nào? Thưa ông?

Ông Lê Trọng Yên: Vâng! Trước hết, mục đích của nội dung ký kết là để xác định được thương hiệu cây bơ của Đắk Nông. Theo thỏa thuận ký kết, các đối tác sẽ nghiên cứu, chọn lọc giống bơ phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của tỉnh Đắk Nông, cũng như về lâu dài sẽ bảo đảm chất lượng sản phẩm đầu ra. Về khâu chọn lọc, các đối tác sẽ tiến hành chọn lọc những giống bơ mà hiện nay thị trường thế giới đang ưa chuộng, đặc biệt là giống bơ Hass (nhu cầu thị trường thế giới cần hơn 80%). Đối với Đắk Nông, từ năm 2014, giống bơ Hass này đã được người dân đưa vào trồng thử nghiệm và thâm canh. Hiện tại, diện tích giống bơ này chủ yếu phát triển ở vùng Đắk Mil. Qua quá trình thử nghiệm, một số mô hình đã mang lại hiệu quả và cho tín hiệu đáng mừng. Giống bơ này hiện nay đã xuất hiện ở các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Cùng với việc chọn lọc, nghiên cứu giống bơ phù hợp, có giá trị kinh tế cao, được thị trường thế giới ưa chuộng đưa vào thử nghiệm, đối tác cũng cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các sản phẩm bơ.

Về lộ trình, sau khi ký kết, các đối tác cùng với chính quyền địa phương sẽ xây dựng một dự án chi tiết để triển khai các ký kết của hợp đồng. Hiện tại, các bên tham gia đã họp lại để xem xét nội dung, cũng như có những điều chỉnh phù hợp liên quan đến các mô hình thử nghiệm, kinh phí, vấn đề chuyên gia trong và ngoài nước… Dự kiến, chương trình ký kết sẽ được triển khai từ tháng 6/2018. Quan trọng hơn, lộ trình này không chỉ thực hiện trong năm 2018 mà có thể kéo dài đến năm 2020. Các bên tham gia cùng với chính quyền địa phương sẽ thực hiện một số mô hình thử nghiệm, xây dựng khu quản lý giống, viện nghiên cứu giống bơ để triển khai ở một số Khu Nông nghiệp Công nghệ cao của tỉnh. Trong các chương trình thử nghiệm, các bên tham gia sẽ tiến hành nhân rộng, tìm ra vị trí địa lý, địa chất để phát triển cây bơ có giá trị kinh tế cao tại vùng, tiểu vùng của Đắk Nông.

PV: Có thể nói trước những cơ hội, song cũng không loại trừ thách thức, những rủi ro khác của thị trường đối với sản phẩm bơ Đắk Nông, vậy với tư cách là người đứng đầu ngành Nông nghiệp-PTNT, ông có những khuyến cáo gì đối với người trồng bơ trên địa bàn tỉnh?

Ông Lê Trọng Yên: Đối với vấn đề khuyến cáo người trồng bơ thì không phải đến lúc này ngành chức năng mới nghĩ đến, mà chúng tôi đã thực hiện từ trước đến nay rồi. So với Đắk Nông, với diện tích hơn 1.500 ha bơ thì đây là con số không phải ít. Để tránh tình trạng phải “giải cứu”, cũng như phá vỡ quy hoạch sau này, trước hết, chúng tôi khuyến cáo người trồng bơ cẩn trọng khi lựa chọn nguồn giống. Đối với các giống bơ chưa được chứng nhận, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của các đơn vị nghiên cứu, bà con không nên đưa vào thâm canh. Người dân phải thường xuyên theo dõi nhu cầu thị trường trong, ngoài nước như thế nào để tập trung thâm canh, tránh sự phát triển ồ ạt, không theo quy hoạch. Ngành chức năng cũng vận động, khuyến khích người dân không nên trồng thuần một giống bơ, mà có thể trồng xen nhiều giống bơ với nhau. Trong sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, người dân nên hạn chế sử dụng các sản phẩm hóa học mà thiên về sử dụng các loại sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu hữu cơ, vi sinh. Cùng với việc khuyến cáo, Sở Nông nghiệp-PTNT sẽ tiến hành giám sát chặt chẽ trong khâu kiểm soát giống, cũng như quy trình sản xuất của người dân.

PV: Tỉnh ta sẽ có những giải pháp gì để “nâng tầm” cây bơ của Đắk Nông trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Lê Trọng Yên: Trước mắt, chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh tập trung vào khâu quy hoạch để phát triển cây bơ tại những vùng, tiểu vùng phù hợp với cây trồng này. Cùng với công tác quy hoạch, địa phương sẽ xem xét xây dựng một chính sách hỗ trợ cho những người dân trồng bơ theo đúng diện tích quy hoạch. Vấn đề tiến tới xây dựng, quảng bá thương hiệu cây bơ thông qua các hội thảo, hội nghị sẽ được tỉnh chú trọng nhiều hơn. Về khâu chế biến, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển, chế biến quả bơ đa dạng, tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ quả bơ.

Song song vấn đề quy hoạch, xây dựng, quảng bá thương hiệu, có 3 vấn đề cần tập trung quan tâm giải quyết đó là quy trình sản xuất về kỹ thuật, thị trường và doanh nghiệp. Hay nói đúng hơn, nhà nước phải đứng ra tạo được sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà trong quy trình sản xuất. Muốn được như vậy, về phía nhà nước sẽ tiến tới xây dựng nhiều cơ chế, chính sách. Người nông dân phải có nhận thức đúng, phối hợp tốt trong sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch. Quan trọng nữa là tạo ra chuỗi giá trị, mà trong đó, doanh nghiệp phải đứng ra làm “bà đỡ”. Trong thời gian tới, việc tiên phong trong thực hiện liên kết các nhà sẽ được chúng tôi tham mưu cho UBND tỉnh có lộ trình, chương trình cụ thể. Thông qua việc liên kết, toàn tỉnh sẽ xuất hiện nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, những người nông dân đồng sở thích về một loại cây trồng để hướng dẫn nhau về quy trình sản xuất. Từ đây, không chỉ tạo ra những sản phẩm bơ có giá trị, ổn định về nguyên liệu, mà giá trị cạnh tranh trên thị trường đối với cây bơ Đắk Nông sẽ cao hơn.

Nguồn: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/co-hoi-de-nang-tam-cay-bo-%C3%B0ak-nong-60445.html