ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp rộng 40.560 ha, đất đai màu mỡ, giao thông đi lại thuận tiện.
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của Cư Jút không ngừng phát triển và đã tạo được chuỗi sản phẩm hàng hóa đa dạng, nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm phong phú và ổn định cho người tiêu dùng địa phương và xuất khẩu.  Để từng bước nâng cao vị thế sản phẩm nông nghiệp của địa phương, UBND huyện Cư Jút đã xây dựng Đề án thực hiện liên kết trong sản xuất nông nghiệp thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2016 – 2020. Đây là bước đi tất yếu và cần thiết khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu.  Đề án liên kết sản xuất là cơ hội giúp nông dân và doanh nghiệp xích lại gần hơn nhằm thực hiện cam kết nông dân có đất, doanh nghiệp đầu tư vốn, nhà nước làm “bà đỡ” để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cao,đảm bảo VSATTP, đáp ứng yêu cầu chế biến của các doanh nghiệp cũng như nhu cầu tiêu thụ của thị trường.  Theo đó, địa điểm triển khai đề án được huyện tập trung tại các xã như: Tâm Thắng, Nam Dong, Ea Pô và Đắk D’rông…Bắt đầu từ năm 2016, huyện Cư Jút đã xây dựng chuỗi sản xuất với diện tích trên 40 ha đậu nành và 40 ha đậu phụng. Phấn đấu đến năm 2020, toàn huyện   đạt 1.550 ha cây trồng các loại được sản xuất theo chuỗi. Đối với cây Hồ tiêu, hiện toàn huyện đã  thành lập được 5 THT  sản xuất hồ tiêu sạch với  trên 200 thành viên, diện tích gần 200ha hồ tiêu.  Đây là  chiến lược thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững  nhằm hỗ trợ nông dân tăng cường sản xuất theo mô hình sản xuất lớn, áp dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo đủ sức cạnh tranh và chủ động hội nhập với thị trường quốc tế.     Với  việc thực hiện thành công chuỗi liên kết trong sản xuất hồ tiêu sạch sẽ tạo cú hích quan trọng cho hơn 4.000 ha  ở huyện  CưJut sản xuất theo chuỗi và đáp ứng điều kiện ATTP của   thị trường quốc tế. Ngoài ra, huyện còn thành lập 01 tổ hợp tác và phối hợp với Công ty Cổ phần Solavina triển khai liên kết trên cây Dược liệu với diện tích 2,3ha. Hiện nay giá trị thu nhận bình quân trên 01ha đất canh tác ở huyện đạt 65 triệu đồng/năm. Trong năm 2017, tổng sản lượng lương thực của huyện đạt 142.080tấn.