Phát triển cây dược liệu - tiềm năng cần khai thác

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển cây dược liệu Việt Nam vào ngày 12/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định: Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế to lớn từ các loại dược liệu.
 

Thủ tướng đặt vấn đề cần thúc đẩy nghiên cứu, hình thành các trung tâm dược liệu ở 3 miền Bắc-Trung-Nam và Tây Nguyên, đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của cây dược liệu ở Việt Nam. Qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển làm giàu.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong vài thập niên gần đây, nhiều nước đã và đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm có nguồn gốc từ dược liệu để hỗ trợ, phòng ngừa và điều trị bệnh. Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng dược liệu ước tính khoảng 60.000-80.000 tấn/năm; trong đó, có rất nhiều dược liệu có tiềm năng nuôi trồng trong nước. Hiện nay, hệ thống khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền đang dần mở rộng. Trong đó, có 63 bệnh viện y học cổ truyền công lập; 68 bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố có sử dụng nhiều các loại dược liệu; 80% trạm y tế tuyến xã có hoạt động khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền; 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám, chữa bệnh…

Đặc biệt, Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và đa dạng. Theo thống kê của Viện Dược liệu, tính đến nay đã ghi nhận 5.117 loài thực vật và nấm; 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc ở Việt Nam. Tại Tây Nguyên ghi nhận có 1.657 loại cây thuốc và ở Đắk Nông có hơn 725 loài (số liệu năm 2005).

Trái gấc là dược liệu quý để sản xuất thực phẩm chức năng, đang được Hợp tác xã Nam Hà (Chư Jút) liên kết với nông dân trồng với diện tích lớn. Ảnh: Phan Tuấn

Trên thực tế, hiện có khoảng 92 loài cây dược liệu được trồng phục vụ nhu cầu thị trường và một số loài đã và đang có vùng trồng lớn như hồi, quế, hòe, actiso, đinh lăng, diệp hạ châu, trinh nữ hoàng cung, gấc, nghệ… Trong đó, một số cây dược liệu đặc trưng và có giá trị kinh tế cao như quế được trồng tập trung chủ yếu ở Yên Bái với sản lượng ước tính đạt 5.000 tấn/năm. Hòe được trồng tập trung tại Thái Bình và một số địa phương như Hưng Yên, Đắk Lắk, Đắk Nông…, với tổng sản lượng ước tính khoảng 6.000 tấn/năm. Qua điều tra, khảo sát, vùng Tây Nguyên nói chung và Đắk Nông nói riêng có lợi thế về phát triển các loại cây dược liệu như actiso, gừng, sả, nghệ, sâm Ngọc Linh, đảng sâm, ngũ vị tử, thông đỏ, diệp hạ châu đắng, củ mài, ý dĩ, dương cam cúc, đinh lăng, bình vôi, gấc, táo mèo.

Với khí hậu ôn hòa, đất bazan màu mỡ, hệ sinh thái đa dạng, nguồn lao động dồi dào, Đắk Nông được xem là vùng đất tiềm năng để phát triển nhiều loại dược liệu. Việc trồng cây dược liệu tại Đắk Nông chỉ mới manh nha phát triển trong những năm gần đây và bước đầu cũng đem lại những kết quả nhất định. Cụ thể, Hợp tác xã Dịch vụ-Nông lâm nghiệp Nam Hà (Chư Jút) với việc phát triển hơn 50 ha gấc cho năng suất 20 tấn/ha. Công ty TNHH Bảo Quốc An Khang (TP. Hồ Chí Minh) liên kết với nông dân triển khai ứng dụng công nghệ cao vào trồng các cây dược liệu như trinh nữ hoàng cung, vông nem, hà thủ ô… trên diện tích 6 ha tại huyện Đắk R’lấp cho năng suất 6 tấn nguyên liệu khô/ha/năm. Công ty Cổ phần sản xuất, chế biến lâm sản và Dược liệu sạch Đắk Nông triển khai trồng 30 ha các loại dược liệu trên địa bàn các huyện Đắk Glong, Đắk R’lấp…

Trước thực trạng quy mô phát triển cây dược liệu ở Việt Nam còn nhỏ bé, chưa có hiệu quả cao, còn nhiều lãng phí, một số cây có nguy cơ không tồn tại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải thúc đẩy sản xuất quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao, phải nhìn nhận lại vai trò của dược liệu trong phạm vi quốc gia, ở từng địa phương cũng như các ngành, để chú trọng tập trung phát triển.

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị đặt ra cho các tỉnh, thành, trong đó có Đắk Nông cần nhìn nhận, đánh giá lại một cách rõ ràng hơn về tiềm năng để có định hướng phát triển cây dược liệu bài bản, góp phần giúp người dân giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cuộc sống ổn định.

  Ngày 30/10/2013, Chính phủ đã ra Quyết định số 1976/QÐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, quy hoạch vùng trồng dược liệu Tây Nguyên thành 1 trong 8 vùng trồng dược liệu của cả nước, phát triển trồng 10 loài dược liệu bao gồm gấc, gừng, hương nhu trắng, đảng sâm, nghệ vàng, sa nhân tím, sả, sâm Ngọc Linh, trinh nữ hoàng cung, ý dĩ… với diện tích khoảng 2.000 ha.

Nguồn: http://www.baodaknong.org.vn/kinh-te/phat-trien-cay-duoc-lieu-tiem-nang-can-khai-thac-53203.html