Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết: Không nên chủ quan, lơ là

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Nông, tính đến hết tháng 5, toàn tỉnh ghi nhận có hơn 161 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) tại 52 xã, phường, thị trấn, giảm 84 ca so với cùng kỳ năm 2016.

Mặc dù số ca bệnh không tăng và diễn biến phức tạp như năm 2016, nhưng ngành Y tế khuyến cáo các cơ sở y tế, người dân không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống bệnh.

Về phía ngành Y tế, các hoạt động phòng, chống bệnh SXH đã được triển khai chủ động, tích cực ngay từ đầu năm. Theo đó, công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh với nhiều hình thức như: sử dụng hình ảnh trực quan; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; vận động trực tiếp tại các hộ gia đình thông qua đội ngũ nhân viên y tế thôn, bon và các đoàn thể địa phương…

Các hoạt động giám sát dịch tễ, giám sát véctơ truyền bệnh cũng như các yếu tố nguy cơ được thực hiện thường xuyên nhằm đánh giá tình hình biến động véctơ truyền bệnh SXH tại các địa bàn dân cư, nhất là các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao. Các hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, vệ sinh môi trường cũng được tăng cường.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Y tế dự  phòng tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo các Trung tâm Y tế huyện, thị xã tổ chức 180 đợt vệ sinh môi trường cho gần 17.000 hộ gia đình; triển khai 9 đợt phun hóa chất phòng, chống bệnh SXH cho 1.156 hộ gia đình.

Theo bác sĩ Đặng Thành, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, mặc dù ngành đã triển khai rất nhiều hoạt động phòng, chống, hạn chế sự gia tăng của bệnh, nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Sở dĩ như vậy là do nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, công tác phun hóa chất diệt muỗi chưa đạt hiệu quả cao do công tác vệ sinh môi trường trước khi phun chưa được thực hiện một cách triệt để. Tại một số địa phương, công tác vệ sinh môi trường vẫn chưa được thực hiện thường xuyên. Ngoài ra, sự hợp tác của người dân trong công tác phòng, chống bệnh còn hạn chế. Một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thấy hết tầm quan trọng của việc vệ sinh môi trường, chưa chủ động phòng, chống bệnh mà chỉ trông chờ vào việc phun hóa chất của ngành Y tế.

Thực tế qua từng năm cho thấy, ngoài các nguyên nhân như biến động dân cư, yếu tố dịch tễ, thời tiết diễn biến thất thường thích hợp cho sự phát triển của các tác nhân truyền bệnh, chính ý thức chủ quan, lơ là của người dân là yếu tố quan trọng làm cho bệnh SXH gia tăng.

Theo nhận định của ngành Y tế, trong điều kiện thời tiết đang bước vào mùa mưa, cộng với sự lưu hành thường xuyên của véctơ truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti thì số ca mắc bệnh SXH sẽ tiếp tục gia tăng và lan rộng trong cộng đồng. Vì vậy, công tác phòng, chống bệnh cần được tiếp tục chú trọng hơn nữa. Trong đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân là một trong những hoạt động cần được ưu tiên hàng đầu.

Ngoài các hình thức như phát thanh, treo băng rôn, cán bộ y tế cần thường xuyên phối hợp với các đoàn thể địa phương đến từng hộ gia đình để cấp phát tài liệu truyền thông và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh. Công tác điều tra, giám sát véctơ truyền bệnh tại các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ bùng phát dịch cũng cần được tập trung đẩy mạnh nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các ổ bệnh.

Tuy nhiên, để phòng, chống bệnh hiệu quả, điều quan trọng nhất hiện nay là người dân phải kết hợp tốt với ngành Y tế trong việc vệ sinh môi trường, diệt trừ loăng quăng, bọ gậy và các tác nhân truyền bệnh. Đặc biệt, mỗi người dân phải nâng cao cảnh giác với bệnh. Khi phát hiện có các biểu hiện như sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, phát ban hoặc có các biểu hiện xuất huyết dưới da, xuất huyết chân răng…, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị, tránh biến chứng nặng cũng như lây lan trong cộng đồng.

Nguồn: http://baodaknong.org.vn/y-te-suc-khoe/phong-chong-benh-sot-xuat-huyet-khong-nen-chu-quan-lo-la-54667.html