image banner
Giúp doanh nghiệp vượt qua đại dịch

Miễn, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, đề xuất cho vay mới… là những giải pháp trong năm 2021 được hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vì thế được “trợ lực”, vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất, kinh doanh.

Rà soát nhanh, hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời

Những ngày cuối năm 2021, khối lượng công việc của đội ngũ cán bộ tín dụng tại các ngân hàng nhiều gấp bội. Không chỉ “chạy” chỉ tiêu cho vay, huy động, mà họ còn rà soát nhanh những khách hàng nằm trong diện ảnh hưởng Covid-19 để thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Ông Thân Văn Chí, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp – PTNT (Agribank) Chi nhánh Đắk Nông cho biết, bình quân mỗi cán bộ tín dụng tại đơn vị phụ trách hàng chục doanh nghiệp, với dư nợ hàng trăm tỷ đồng. Thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn, không ai khác, họ phải thường xuyên nắm bắt hoạt động, doanh thu của các đơn vị.

“Qua điện thoại, gmail, hoặc gặp trực tiếp để cán bộ tín dụng nắm bắt và chia sẻ với doanh nghiệp. Với những dữ liệu lịch sử đã cập nhật, cộng với hoạt động hiện tại, chúng tôi sẽ áp dụng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, phù hợp nhất”, ông Chí chia sẻ.

Cũng theo ông Thân Văn Chí, thời điểm doanh nghiệp gặp khó khăn, mục tiêu mà ngân hàng hướng đến là giải quyết thủ tục nhanh nhất. Chi nhánh giao trực tiếp cho từng cán bộ tín dụng phụ trách từng doanh nghiệp.

Công nhân chế biến chanh dây tại Công ty Cổ phần Chế biến Nông sản thực phẩm Thái An

Quy mô, hoạt động, ảnh hưởng, doanh thu… tất cả được cán bộ tín dụng khảo sát, nắm kỹ. Dựa vào mức độ ảnh hưởng, đơn vị sẽ áp dụng chính sách phù hợp. “Đối với những thủ tục chưa thực sự cần thiết, chúng tôi sẽ gọi điện thống nhất với khách hàng về gia hạn, cơ cấu và giảm lãi đúng kỳ hạn. Bằng cách đó, các khách hàng bị ảnh hưởng sẽ được hưởng chính sách kịp thời”, ông Chí khẳng định.

Tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV) Đắk Nông, ngay sau những chính sách mà Ngân hàng Nhà nước ban hành, đơn vị chính thức vào cuộc ngay.

Theo ông Phạm Quốc Việt, Phó Giám đốc BIDV Đắk Nông, các tổ tổng hợp, rà soát khách hàng bị ảnh hưởng được nhanh chóng thành lập. Thông qua điện thoại, văn bản, mọi hồ sơ, thủ tục về cơ cấu, miễn giảm lãi suất được đơn vị hỗ trợ khách hàng thực hiện trên hệ thống cơ sở dữ liệu tin học.

Trong năm 2021, BIDV Đắk Nông giảm lãi suất từ 0,2%-0,7% cho nhiều khách hàng, với số tiền lãi được giảm gần 2 tỷ đồng. Những khách hàng vay mới, tổ tổng hợp, rà soát hướng dẫn hồ sơ, với thời gian nhanh nhất.

Chi nhánh NHCSXH Đắk Nông hoàn tất thủ tục giải ngân gói vay cho doanh nghiệp theo chính sách vay vốn trả lương cho lao động ngừng việc do ảnh hưởng Covid-19

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, trong năm 2021, các tổ chức tín dụng đã 3 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất cho vay. Cụ thể, đối với lãi suất điều hành giảm từ 1,5%-2%; giảm 0,6% đến 1%/năm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng; giảm 1,5% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Tùy vào tình hình thực tiễn, các tổ chức tín dụng thay đổi mốc giới hạn thời gian khoản nợ được tái cơ cấu, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ. Nhiều đơn vị còn được tiếp cận nguồn vốn từ các hội sở tỉnh với chi phí thấp hơn, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng.

Cùng với giảm lãi suất, các ngân hàng đã triển khai nhiều gói giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh. Tùy vào quy mô, mức độ ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có hình thức hỗ trợ phù hợp.

“Hỗ trợ khách hàng ở đây không chỉ về vốn nhiều hay ít, điều quan trọng đó là thủ tục hành chính được các đơn vị tối giản mức thấp nhất. Quá trình xử lý hồ sơ, các ngân hàng sẽ hướng dẫn khách hàng nhanh nhất mà không cần mất thời gian phải thông qua sở, ngành hay đơn vị nào”, ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh khẳng định.

  Từ cuối năm 2020 đến hết năm 2021, hệ thống ngân hàng trên địa bàn thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 1.200 khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ trên 400 tỷ đồng. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có trên 11.500 tỷ đồng được các ngân hàng giải ngân mới, với gần 33.000 khách hàng còn dư nợ.

 

Giúp doanh nghiệp giảm áp lực

Công ty TNHH MTV Thương mại Vinh Quang, xã Nam Bình (Đắk Song) là một đơn vị được ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ chính sách giảm lãi suất do bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Theo bà Tạ Thị Bằng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Vinh Quang, so với những năm trước, lãi suất năm 2021 được ngân hàng giảm đối với đơn vị là 1% (từ 7%/năm xuống còn 6%/năm). Với số tiền vay hiện nay là 110 tỷ đồng, trong năm 2021, Công ty được giảm lãi 1,1 tỷ đồng.

“Số tiền được ngân hàng thực hiện giảm lãi suất, góp phần giúp chúng tôi bổ sung vào nguồn vốn quay vòng. Một số thời điểm, nguồn kinh phí giúp đơn vị duy trì trả lương cho nhân công và người lao động”, bà Bằng cho biết.

Cũng theo bà Bằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ từ nhiều chính sách của Nhà nước, trong đó có ngân hàng, Công ty bảo đảm doanh thu đề ra. Trong năm 2021, doanh số sản phẩm tại đơn vị đạt 43.000 tấn, trong đó, 17.000 tấn là nông sản; 26.000 tấn phân bón.

Doanh thu tại đơn vị tăng 20% so với năm 2020. Hiện tại, Công ty giải quyết công ăn việc làm ổn định cho khoảng 30 lao động, với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.

Được tiếp cận chính sách kịp thời, Công ty TNHH MiSa Thành Đạt (Gia Nghĩa) chủ động nguồn kinh phí trả lương cho lao động ngừng việc do Covid-19

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Công ty TNHH MiSa Thành Đạt, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) nằm trong diện được vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Vào tháng 7/2021, đơn vị được Chi nhánh NHCSXH giải ngân nguồn vốn cho vay trả lương ngừng việc cho lao động.

Theo bà Lê Thị Thu Hoài, Giám đốc Công ty MiSa Thành Đạt, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo từ nhiều năm nay. Năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh, công ty hầu như tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, đơn vị phải duy trì trả lương cho hơn 20 lao động.

“Có nguồn vốn vay lãi suất thấp từ ngân hàng, chúng tôi đỡ khó khăn trong việc giải quyết chế độ cho nhân viên và một số hoạt động khác. Thủ tục, hồ sơ vay vốn rất đơn giản. Doanh nghiệp không cần tài sản thế chấp, mà nguồn vốn giải ngân rất nhanh”, bà Hoài chia sẻ.

Trong quá trình triển khai, không thể tránh khỏi những vướng mắc phát sinh. Đòi hỏi các ngân hàng phải rà soát, đánh giá lại, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực triển khai nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, góp phần thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, ông Minh cho biết thêm.

  Trong năm 2021, toàn tỉnh có 500 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký gần 5.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp giải thể là 55 trường hợp, giảm 30,3% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 130 đơn vị, tăng 0,7% so với cùng kỳ.

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Quang cảnh
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NÔNG THÔN MỚI TỈNH ĐẮK NÔNG
Cơ quan chủ quản: Văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Nông
Giấy phép: số ............/GXN-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông cấp ngày ..............
Địa chỉ:Lầu 3, dãy 2, tòa nhà Sở Nông  nghiệp và PTNT, số 07 đường Trần Hưng Đạo, Phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Điện thoại: 0261.6288 666                             Fax: 0261.6288 666
Email: vanphongdieuphoidaknong@daknong.gov.vn       

(Ghi rõ nguồn "http://nongthonmoi.daknong.gov.vn/" khi phát hành lại thông tin từ website này)

 
ipv6 ready

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang