Xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ xây dựng hạ tầng mà còn phải vun đắp tinh thần con người, bảo tồn bản sắc văn hóa, hồn cốt của mỗi làng quê.
Xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm làm cho kinh tế nông thôn phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân tăng lên, môi trường xanh, sạch, đẹp. NTM còn góp phần xây dựng môi trường sống ổn định, đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.
Xây dựng NTM còn phải kèm theo thay đổi chất lượng cuộc sống về tinh thần của người dân, tạo bản sắc tinh hoa riêng cho từng vùng quê
Ông Bùi Xuân Tứ, ở thôn 4, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút cho biết: “Sau hơn gần hơn 13 năm thực hiện Chương trình NTM, tôi rất hết sức vui mừng, phấn khởi trước sự đổi thay của địa phương. Rõ nét nhất là đường làng, ngõ xóm được cứng hoá; đời sống người dân được nâng cao, môi trường nông thôn được cải thiện sáng, xanh, sạch đẹp”.
Ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng cho biết, trong xây dựng NTM, xã luôn chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, xã cũng không ngừng khơi dậy truyền thống đạo lý tốt đẹp trong Nhân dân, tình làng nghĩa xóm được vun đắp.
Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Đắk Nông, trong những năm qua, một số địa phương chỉ mới quan tâm, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, thiếu sự quan tâm cho vấn đề về duy trì các nếp sống văn hóa truyền thống ở các làng quê.
Người dân xã Đắk Som, huyện Đắk Glong vẫn giữ nguyên vẹn văn hóa truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN – PTNT cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là sự kỳ vọng đổi đời của những người dân nông thôn, xã hội nông thôn.
Sự đổi đời đó không phải chỉ thay đổi hình thức bên ngoài, thường được gọi là “diện mạo”. Bởi vì, ngoài vẻ diện mạo, con người còn có đời sống tinh thần. Do đó, ngoài vẻ bên ngoài, xây dựng NTM còn phải kèm theo thay đổi chất lượng cuộc sống về tinh thần của người dân, tạo bản sắc tinh hoa riêng cho từng vùng quê.
Cũng theo ông Anh, NTM không chỉ là diện mạo mới mà còn phải tạo sức sống mới. NTM không thể “mặc đồng phục”, mà cần tìm tòi sự khác biệt, đi lên từ những cái đang có. Quá trình tìm tòi đó do chính những người dân ở làng quê biết, nhận ra và trân quý những giá trị chung của mình, từ truyền thống văn hóa, lịch sử ở địa phương mình.
Những buổi nông nhàn, người dân xóm bờ sông, thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô đến nhà thăm nhau và nhắc nhở những ngày lễ lạt trong năm
Quá trình tìm tòi đó, do người bên ngoài phát hiện trên tinh thần tôn trọng những giá trị mà người làng quê đôi khi bị lãng quên. Có như vậy, NTM không bị sao chép vội vã, không làm mất giá trị bản sắc. Bởi mất đi bản sắc làm đứt gãy dòng tâm thức liên tục trong mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi làng quê.