Xác định sàn thương mại điện tử (TMĐT) với phương thức tiêu thụ trực tuyến đang là hướng đi hiệu quả, nên thời gian qua, huyện Cư Jút đã, đang nỗ lực giúp nông dân tiếp cận loại hình này.
Thời gian qua, người tiêu dùng đã thay đổi phương thức mua sắm, nhất là xu hướng lựa chọn sản phẩm hàng hóa trực tuyến tăng mạnh. Bắt nhịp xu hướng mới, huyện Cư Jút đã có nhiều hoạt động đổi mới để hỗ trợ nông dân tiếp cận sàn TMĐT. Đặc biệt, địa phương tập trung tuyên truyền cho hội viên nông dân kỹ năng bán hàng trên sàn TMĐT Postmart.vn, sanocop.vn… Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp tại địa phương.
Ông Lê Thanh Bình, ở xã Đắk Wil (Cư Jút) cho biết: “Tôi mới tham gia sàn TMĐT Postmart, nên lượng khách hàng chưa nhiều. Vì vậy, khối lượng sản phẩm trái cây bán ra còn ít. Tuy nhiên, tôi nhận thấy giao dịch hàng hóa trên sàn TMĐT có nhiều tiềm năng nên tiếp tục kiên trì, phát triển theo loại hình này”.
|
Sản phẩm khô bò của Cơ sở Đức Tâm, ở xã Tâm Thắng thu hút được khách hàng nhờ tham gia sàn TMĐT |
Tại Cơ sở sản xuất khô bò Đức Tâm, ở xã Tâm Thắng, nhờ tăng cường giao dịch sản phẩm trên sàn TMĐT đã, đang góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm của đơn vị. Bà Ngô Thị Tuyết, chủ Cơ sở khô bò Đức Tâm cho hay: “Khi tham gia sàn TMĐT, sản phẩm của cơ sở được khách hàng quan tâm hơn. Từ đó, sản phẩm được các chuỗi siêu thị, khu du lịch và thị trường tại các tỉnh, thành chú ý, đặt mua nhiều hơn”. Hiện nay, cơ sở xuất bán qua kênh sàn TMĐT ước từ 4 – 5 tấn hàng/năm, cao hơn khoảng 2 tấn sản phẩm so với 2 năm trước.
Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Cư Jút đã phối hợp với Bưu điện huyện tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ năng bán hàng trên sàn TMÐT cho hơn 200 hội viên, nông dân tại các xã Cư K’nia, Ðắk Wil, thị trấn Ea T’ling… Thông qua các buổi tập huấn, các hội viên, nông dân được hỗ trợ, kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ đó, các hội viên, nông dân nhận thức được vai trò, hiệu quả khi ứng dụng sàn TMÐT trong mua bán hàng hóa.
Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Cư Jút, tham gia sàn TMĐT, không những giúp nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng mà còn tránh bị thương lái ép giá. Người bán và người mua không cần gặp nhau mà vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu cung cấp dịch vụ. Các hộ sản xuất có thể giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm, kết nối bạn hàng qua nền tảng công nghệ số, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng hóa nông sản đa dạng, phong phú.
Việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động quản lý, tiêu thụ sản phẩm của nông hộ, HTX là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, hiện nay, cá nhân các nông hộ, ban quản trị HTX còn yếu về trình độ, chuyên môn, khả năng đầu tư mua sắm phương tiện công nghệ còn hạn chế. Do vậy, việc tham gia sàn TMĐT của nông hộ, các HTX còn gặp nhiều khó khăn.
Cũng theo ông Sơn, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp địa phương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho huyện tăng cường các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ hỗ trợ nông dân. Đồng thời, nâng cao tỷ lệ người dân tiếp cận, sử dụng sàn TMĐT để tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, huyện sẽ tích cực tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất ra sản phẩm hàng hóa theo các tiêu chuẩn, chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Nguồn: https://baodaknong.org.vn/nong-nghiep-nong-thon/cu-jut-giup-nong-dan-tiep-can-san-tm%C3%B0t-94885.html