Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững được kỳ vọng sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, bảo đảm tốc độ tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp Đắk Nông trong những năm tiếp theo.
Gia đình anh Bùi Văn Tín, thôn Tân Hiệp, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) có 1,2 ha hồ tiêu canh tác theo hướng hữu cơ. Những năm gần đây, khi nhiều hộ trong tỉnh mất mùa, vườn hồ tiêu của gia đình vẫn đạt mức năng suất khá và ổn định, khoảng 4 tấn/ha.
Anh Tín cho biết, làm hồ tiêu hữu cơ không phải quyết định ở một số khâu nào mà cần sự tuân thủ tốt cả quá trình. Trong đó, trong chăm sóc chú ý cắt cành, tạo tán, phát hiện xử lý nhanh sâu bệnh. Đối với phân bón sử dụng hợp lý, đúng cách, dùng nhiều phân bón hữu cơ thì cây trồng phát triển bền, hạn chế bớt các ảnh hưởng xấu của thời tiết. Đặc biệt, anh không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng, chống dịch bệnh. Gia đình chú trọng tạo cảnh quan sinh thái ổn định cho vườn tiêu thông qua hệ thống cây che bóng, chắn gió, cây trụ sống. Hai năm nay, qua liên kết với một doanh nghiệp, anh đều bán tiêu với giá cao hơn thị trường khoảng 16.000 đồng/kg.
|
HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha (Đắk Glong) hiện có trên 10 ha rau củ hữu cơ |
Trước thông tin tỉnh đang triển khai Đề án về nông sản hữu cơ, anh Tín rất vui mừng. Anh Tín cho rằng: Thực tế, việc sản xuất hồ tiêu hữu cơ những năm qua cũng đối diện với nhiều thách thức như chi phí phân bón, vật tư cao, giá cả bấp bênh. Hồ tiêu hữu cơ chưa thật sự thành phong trào rộng khắp. Do đó, khi triển khai đề án, anh hy vọng cơ quan chức năng có những giải pháp để nhân rộng diện tích hồ tiêu hữu cơ gắn với các chứng nhận. Từ đó, giúp người trồng hồ tiêu có được phương pháp canh tác bền vững, thu nhập cao hơn.
Theo ông Đặng Ngọc Hương, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Đắk Ha (Đắk Glong), đơn vị đang có trên 10 ha đất trồng các loại rau củ như su su, bắp cải, cà tím theo hướng hữu cơ. Việc tỉnh triển khai đề án về nông nghiệp hữu cơ được ông cho là một tất yếu bởi xu hướng của người tiêu dùng đều đang hướng đến các sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe. Đặc biệt, để xuất khẩu được và gia tăng thu nhập thì yêu cầu trước tiên đó là vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với yêu cầu căn bản này thì quy trình canh tác hữu cơ có thể nói là bảo đảm nhất.
Ông Hương cho rằng: ngành chức năng cần có những hỗ trợ nhiều hơn cho các HTX trong xây dựng vùng nguyên liệu, hạ tầng về giao thông, chế biến, sơ chế để nâng cao giá trị sản phẩm.
|
Cam sành của HTX sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú (Krông Nô) đạt chứng nhận hữu cơ |
Đắk Nông hiện có khoảng 700 ha đất sản xuất nông nghiệp được chứng nhận hữu cơ. Tổng diện tích cây hằng năm của tỉnh trên 87.600 ha; cây lâu năm trên 226.900 ha.
Theo Sở NN – PTNT, mục tiêu chung của Đề án là phát triển nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường. Tỉnh khuyến khích phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt tiêu chuẩn, có chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới. Các địa phương từng bước hình thành các vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, tạo nguồn sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng.
Các cấp, ngành, hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng quy mô diện tích, tăng sản lượng, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; hình thành vùng nguyên liệu ổn định, phát triển công nghiệp chế biến để tạo ra nhiều sản phẩm hữu cơ đặc thù của tỉnh hướng đến thị trường xuất khẩu.
Giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh phấn đấu diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5% trên tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 3.310 ha với khoảng 0,5% – 1% trên tổng diện tích đất trồng trọt. Tại các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh, 90% sản phẩm hữu cơ được chứng nhận, tiêu thụ theo hệ thống và truy xuất được nguồn gốc. Từ đó, Đắk Nông phấn đấu, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp 1,3 – 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ…
Nguồn: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/ky-vong-vao-nong-nghiep-huu-co-94564.html