Mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà màng trồng dưa lưới, sau gần 3 năm triển khai, mô hình không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Nguyễn Doãn Vũ ở thôn Sơn Quang, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ mà còn tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương.
Đến tham quan mô hình của anh Nguyễn Doãn Vũ vào một ngày cuối tháng 5, cũng đúng dịp anh Vũ cùng công nhân đang tất bật thu hoạch vụ dưa lưới đầu tiên của năm trên diện tích 12.000 m2, với 6 nhà màng có tổng mức đầu tư gần 2 tỷ đồng.
Mô hình dưa lưới của anh Nguyễn Doãn Vũ đang bước vào thời kỳ cho thu hoạch
Anh Vũ tâm sự, sau thời gian ở nhà làm công việc kinh doanh tự do, công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh nên anh đã theo người anh họ vào Bình Dương để học hỏi mô hình kinh tế nông nghiệp. Qua tìm hiểu, nhận thấy mô hình sản xuất nông nghiệp trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao nên khá hứng thú. Sau khi trở về quê, với ý chí quyết tâm của bản thân và sự ủng hộ của người thân, anh đã mạnh dạn “cắm” sổ đỏ của gia đình vay ngân hàng hơn 500 triệu để khởi nghiệp.
Do gia đình không có diện tích đất phù hợp nên anh Vũ phải thuê 1,5ha diện tích đất nông nghiệp của một số hộ dân tại thôn Sơn Quang, xã Đức Lạng để triển khai mô hình. Với số vốn chưa nhiều, kinh nghiệm còn ít, đầu năm 2022, anh Vũ bắt đầu khởi công đầu tư xây dựng 1 nhà màng khép kín với diện tích 2000m2, được thiết kế chắc chắn để phòng chống mưa bão, bên trong đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước theo công nghệ của Israel. Tháng 6 năm đó, vụ dưa lưới đầu tiên được xuống giống.
“Khó khăn lúc bắt đầu khởi nghiệp đó chính là nguồn vốn và kỹ thuật, nhưng được sự ủng hộ từ gia đình, chính quyền địa phương, đặc biệt về vấn đề kỹ thuật, tôi được người họ hàng có kinh nghiệm nhiều năm trồng dưa lưới ở miền nam hướng dẫn nên khá yên tâm. Vụ dưa lưới đầu tiên dù năng suất chưa cao nhưng đã giúp cho tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm để sản xuất trong những vụ tiếp theo.”. anh Vũ chia sẻ thêm.
Sau vụ dưa đầu tiên, nhận thấy thị trường tiêu thụ tốt, kỹ thuật nắm vững hơn, anh Nguyễn Doãn Vũ mạnh dạn vay vốn, mở rộng quy mô lên 6 nhà màng, với diện tích mỗi nhà màng 2000 m2. Chính sự cần cù chịu khó và ham học hỏi, anh Vũ ngày càng tự tin hơn với hướng phát triển kinh tế mà mình đã lựa chọn.
Điều đáng nói, trong 5 vụ sản xuất, anh Vũ vẫn “trung thành” với giống dưa lưới TL3. Được hỏi về việc duy trì một giống dưa trong nhiều vụ sản xuất, anh Vũ cho biết: Trước khi triển khai mô hình, tôi đã tìm hiểu rất kỹ về các giống dưa lưới, tuy nhiên, nhận thấy giống dưa TL3 có sức tiêu thụ tốt trên thị trường bởi chất lượng dưa ngon không thua kém các giống dưa khác, trọng lượng quả vừa từ 1,2-1,5kg/quả, nhưng giá bán từ 20-25 nghìn đồng/kg, như vậy mỗi quả dưa 40-45 nghìn đồng, trong khi nhiều loại dưa khác có giá 45-50 nghìn đồng/kg. Với giá bán vừa phải, hợp với túi tiền nhiều khách hàng nên thị trường khá rộng mở.
Anh vũ còn nói vui, đây là loại dưa “bình dân”, nên không lo ế hàng. Hiện nay, thị trường tiêu thụ lượng dưa của anh Vũ chủ yếu là chợ đầu mối ở Thành phố Vinh, đến các chợ bán lẽ và các cửa hàng hoa quả trong tỉnh.
A024: Áp dụng nhà màng trồng dưa lưới mang lại năng suất, chất lượng cao, mẫu mã quả đẹp.
Theo anh Vũ, khi áp dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn, người trồng phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, trồng cây, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cho đến lúc thu hoạch sản phẩm.
Đối với cây dưa lưới, kỹ thuật đòi hỏi khá khắt khe, trong suốt quá trình canh tác dưa lưới, hầu như giai đoạn nào cũng quan trọng nên người trồng phải chủ động “đi trước” một bước trong phòng ngừa dịch bệnh. Tùy vào từng thời điểm trong năm, tình hình dịch bệnh khác nhau. Mùa mưa, cây trồng này dễ bị nấm gây hại. Mùa nắng, dưa lưới dễ bị rầy phấn trắng gây hại. Vì vậy, để loại nông sản này phát triển thuận lợi, người trồng phải ghi chép cẩn thận các loại đối tượng dịch hại ở từng mùa trong năm, từ đó có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Theo kinh nghiệm của anh Vũ, để phòng ngừa tốt sâu bệnh hại trong suốt cả vụ, người trồng cần làm tốt khâu xử lý đất trồng, vệ sinh nhà màng ngay từ đầu vụ.
Ngoài ra, đối với cây dưa lưới, vào thời điểm ra hoa, mỗi nhà màng anh Vũ đã đưa 1 đàn ong khoảng 8-10 cầu ong vào để thụ phấn, sau 3-4 ngày đưa ong ra khỏi nhà màng. Tiếp đến lựa chọn quả, thường một cây cho rất nhiều quả nhưng giai đoạn đầu chỉ để lại 4-5 quả, 3 ngày khi quả đã đậu chắc chắn, mỗi cây chỉ giữ lại một trái để nuôi và thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh giúp cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi trái và phòng tránh dịch bệnh. Dù có sẵn quy trình kỹ thuật sản xuất nhưng nếu không nắm bắt được chu kỳ, thời điểm cụ thể trong quá trình canh tác, rất dễ bị thua lỗ.
Một trong những ưu điểm của mô hình này là giúp tiết kiệm nguồn nước tưới, ít sử dụng nhân công, có thể trồng 2-3 vụ/năm mà không sợ mưa hay yếu tố bất lợi của thời tiết. Nhà màng giúp che chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập nên dưa lớn nhanh, có vân lưới đẹp, độ lớn đồng đều. Trong quá trình canh tác dưa lưới không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.
Cơ sở trồng dưa lưới của anh Vũ đang tất bật thu hoạch và đóng gói để xuất bán cho các thương lái
Từ bước đầu còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng đến thời điểm hiện tại, anh Vũ đã làm chủ được quy trình kỹ thuật và sẵn sàng chia sẻ, tư vấn cho nhiều người dân mong muốn học tập triển khai mô hình này. Theo tính toán, với 6 nhà màng hiện có, mỗi vụ thu hoạch từ 30-35 tấn quả, mỗi năm trồng 3 vụ, cho sản lượng trên 100 tấn, sau khi trừ chi phí, đem lại lợi nhuận cho gia đình anh Vũ 450-500 triệu đồng/năm. Ngoài ra, mô hình này còn tạo việc làm ổn định cho 2 người dân địa phương với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng, vào mùa thu hoạch có thể lên đến 7-10 nhân công thời vụ.
Ông Nguyễn Đình Chiểu -Chủ tịch UBND xã Đức Lạng huyện Đức Thọ đánh giá: Anh Nguyễn Doãn Vũ là thanh niên có ý chí quyết tâm làm giàu trên chính quê hương bằng con đường sản xuất nông nghiệp, là tấm gương cho nhiều thanh niên và người dân tại địa phương học tập. Việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đa dạng các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Từ thành công mô hình của anh Nguyễn Doãn Vũ, hiện nay, chính quyền địa phương đang tuyên truyền, vận động các hộ dân có diện tích đất màu kém hiệu quả, cùng nhau thành lập các Tổ hợp tác để có có điều kiện về nguồn vốn, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác xây dựng nhân rộng mô hình này nhằm tạo sản phẩm nông sản mang tính hàng hóa, đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững./.
Nguyễn Hoàn
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh