image banner
Nông dân Đắk R’Lấp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Nhằm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, thời gian qua nông dân trên địa bàn huyện Đắk R’Lấp quan tâm ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt là khâu sơ chế bảo quản nông sản, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp. Qua đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện chỉ tiêu số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

 

 

 

 

Lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh Đắk Nông cắt băng khánh thành Nhà máy chế biến trái cây Toàn Hằng (năm 2023)

Với lợi thế và tiềm năng sẵn có, cùng với nhiều chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện ĐăkR’Lấp đã nhanh chóng triển khai, hướng dẫn, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, từ đó tạo ra chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp.

Huyện Đắk R’Lấp hiện có trên 39.000ha cây trồng các loại. Để thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng hiệu quả sản xuất, nông dân trên địa bàn huyện đã chú trọng áp dụng tưới tiên tiến, nhỏ giọt, nhà màng, nhà kính. Toàn huyện hiện có 8.879,6ha áp dụng tưới tiên tiến, nhỏ giọt và 8,7ha diện tích nhà kính, nhà màng được áp dụng vào sản xuất rau, củ, quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu là các mô hình nhà màng kết hợp áp dụng tưới nhỏ giọt như: Mô hình trồng dâu tây tại thôn 14 xã Đăk Wer, diện tích 700m2; Mô hình trồng Nho – Tổ dân phố 8 thị trấn Kiến Đức, diện tích 1.000 m2 và nhà màng trồng dưa tại thị trấn Kiến Đức và xã Kiến Thành …

Mô hình trồng Nho tại Tổ dân phố 8 thị trấn Kiến Đức còn là điểm “check in” thú vị của du khách

 Sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn đã được nông dân quan tâm và áp dụng theo hướng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Toàn huyện có 24 cơ sở sản xuất đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 4C, hữu cơ và HACCP với tổng diện tích trên 2.063 ha. Trong đó, diện tích cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGap 208,4ha; có 02 cơ sở áp dụng tiêu chuẩn HACCP là Công ty NHHH Hồng Đức (xã Kiến Thành) và HTX nông nghiệp thương mại, dịch vụ Trường Thịnh (xã Hưng Bình) và 01 cơ sở áp dụng Tiêu chuẩn ISO 22000: 2018 (phạm vi sản xuất và kinh doanh cà phê bột, cà phê hạt) của Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng.

Mô hình nhãn và vải diện tích 16 ha của Tổ hợp tác Mạnh Quân (xã Nghĩa Thắng) sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap

Cùng với chú trọng ứng dụng công nghệ trong trồng trọt, nông dân trên địa bàn huyện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi và đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Các trang trại chăn nuôi được đầu tư nâng cấp theo hướng tự động, khép kín, thân thiện với môi trường, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, VietGAP, đưa các giống heo ngoại cao sản vào sản xuất trực tiếp hoặc lai tạo giống đưa tỷ lệ heo lai, heo ngoại đạt khoảng 93% tổng đàn heo. Các doanh nghiệp quan tâm đẩy mạnh sản xuất các giống heo ngoại cung cấp ra thị trường. Trên địa bàn huyện hiện có 34 trang trại chăn nuôi lợn, một số trang trạng chăn nuôi quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao để đầu tư, nâng cấp xây dựng trang trại chăn nuôi tự động, khép kín, thân thiện với môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như: Trang trại nuôi heo của hộ ông Nguyễn Vũ Luân – Thôn 12, xã Đăk Sin quy mô 7.2000 con; HTX chăn nuôi heo Đồng Tiến – Thôn 7, xã Đăk Sin quy mô trên 7.200 con và Trang trại chăn nuôi Đồng Hiệp – Thôn 9 xã Kiến Thành quy mô 3.000 con; Trang trại nuôi gà của hộ ông Vũ Văn Vượng xã Nhân Cơ quy mô 10.000 con…

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng được nhiều nông dân trên địa bàn xã Kiến Thành áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao

Định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới, huyện Đắk R’Lấp tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt quan điểm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đa dạng hóa nội dung, phương thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất và quyết tâm trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Đồng thời, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đã đạt hiệu quả, chất lượng nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, tập quán sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tư duy về phát triển kinh tế nông nghiệp; thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thích ứng với biến đổi khí hậu. Song song đó, phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình sản xuất theo GAP, VietGAP, hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, xây dựng mã QR code truy xuất nguồn gốc nông sản, xây dựng mã số vùng trồng,…Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ chú trọng thu hút đầu tư, xây dựng và phát triển các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao./.

                                                                                    Bài, ảnh ML.

 

 

 

 

ML

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Quang cảnh
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NÔNG THÔN MỚI TỈNH ĐẮK NÔNG
Cơ quan chủ quản: Văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Nông
Giấy phép: số ............/GXN-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông cấp ngày ..............
Địa chỉ:Lầu 3, dãy 2, tòa nhà Sở Nông  nghiệp và PTNT, số 07 đường Trần Hưng Đạo, Phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Điện thoại: 0261.6288 666                             Fax: 0261.6288 666
Email: vanphongdieuphoidaknong@daknong.gov.vn       

(Ghi rõ nguồn "http://nongthonmoi.daknong.gov.vn/" khi phát hành lại thông tin từ website này)

 
ipv6 ready

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang