Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một cực tăng trưởng mới trong kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Đắk Nông.
Nhiều tiềm năng
Phát triển du lịch là một trong 6 chuyên đề trong xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Đắk Nông, được xem là một lực đẩy mới cho Đắk Nông.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh, Đắk Nông có nhiều năng, lợi thế để phát triển du lịch NTM. Điển hình là các lợi thế cạnh tranh về điều kiện tự nhiên, khí hậu, diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp lớn.
Huyện Đắk R'lấp có nhiều mô hình nông nghiệp xanh gắn với du lịch trải nghiệm, tham quan
Tỉnh có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, giá trị văn hóa vật chất, tinh thần khu vực nông thôn với những đặc điểm có tính cạnh tranh cao.
Chính vì thế, phát triển du lịch NTM giúp các huyện, thành phố thực hiện tốt mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, bảo đảm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong đó, tỉnh xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng ở những bon, buôn truyền thống; các điểm, tuyến du lịch kết nối với Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông. Đây là lợi thế của du lịch Đắk Nông không chỉ với trong nước mà tầm quốc tế.
Nhiều du khách thích thú với trải nghiệm về đất, đá thuộc hệ thống Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông
Ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh, Đắk Nông đang tập trung triển khai 7 nhóm giải pháp chính để biến tiềm năng, lợi thế thành các giá trị về kinh tế.
Trước hết, tỉnh hoàn thiện văn bản hướng dẫn về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng “du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững”.
“
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 được tỉnh kỳ vọng thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, phù hợp với nhu cầu thị trường; tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Từ đó, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới, đưa xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và thực chất hơn.
(Kế hoạch số 716, ngày 29/11/2022 của UBND tỉnh Đắk Nông)
Đắk Nông sẽ áp dụng một số cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các mô hình du lịch nông thôn theo hướng thân thiện với môi trường, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Các mô hình này gắn với bảo tồn thiên nhiên, du lịch làng nghề, du lịch không rác thải. Tỉnh hỗ trợ xây dựng một số mô hình chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn liên kết các điểm đến, hình thành các tour du lịch.
Du khách tham quan, trải nghiệm tại trang trại của ông Trần Quang Đông, TP. Gia Nghĩa
Theo ông Trần Quang Đông, ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, nhiều năm nay, trang trại hơn 10ha trồng măng cụt, bơ theo chuẩn Global GAP của ông đã phát triển gắn với du lịch tham quan, trải nghiệm.
Điều ông Đông tâm đắc nhất là việc mình lan tỏa được các giá trị về nông nghiệp xanh, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, lao động, môi trường.
Cũng theo ông Phạm Tuấn Anh, tỉnh có lợi thế là đã được Bộ NN-PTNT chọn thực hiện mô hình thí điểm để phát triển du lịch nông thôn. Lợi thế này sẽ mang lại nhiều cơ hội về nguồn lực để tỉnh phát triển du lịch nông thôn hiệu quả.
Gắn với các chuỗi giá trị
Đắk Nông là 1 trong 12 tỉnh trong cả nước và là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên được lựa chọn xây dựng mô hình “Phát triển du lịch cộng đồng bon Pi Nao tại xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp”.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được Đắk Nông thúc đẩy trong giai đoạn tới, góp phần nâng hiệu quả kinh tế và tiếp năng phát triển du lịch nông thôn
Hiện nay, cùng với sự chủ động của huyện, xã, công đồng bon Pi Nao thì các cấp, ngành tỉnh chủ động vào cuộc cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để xây dựng mô hình hiệu quả.
Lãnh đạo UBND xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp cho biết, địa phương đã triển khai nhiều nội dung để xây dựng bon Pi Nao thành bon du lịch cộng đồng.
Trong đó, một số nội dung chính như bon Pi Nao sẽ phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tự nhiên, môi trường bản địa.
Bon BI Nao, xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R'lấp sẽ phát triển du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa
Theo bà Võ Thị Kiều Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp, hiện nay, trên địa bàn cũng đã có một số địa điểm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thu hút sự quan tâm du khách trong và ngoài tỉnh.
Cụ thể như tại Khu du lịch sinh thái Phước Sơn; thác 5 tầng; vườn hồng Nga Học; vườn hoa cải thôn 7, xã Đắk Wer; vườn nho thị trấn Kiến Đức; bon Pi Nao, xã Nhân Đạo.
Người dân bon Pi Nao đã đăng ký tham gia làm du lịch trong 2 lĩnh vực: dịch vụ lưu trú (homstay) kết hợp ẩm thực và diễn văn nghệ truyền thống, tham quan dã ngoại.
Đắk Nông định hướng phát triển du lịch trong NTM gắn với các chuỗi giá trị nông nghiệp
Giám đốc Sở NN-PTNT Phạm Tuấn Anh cho biết, tỉnh định hướng phát triển du lịch trong NTM gắn với các chuỗi giá trị nông nghiệp, nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm.
Du lịch nông thôn là cơ hội để Đắk Nông phát triển nông nghiệp đa giá trị. Hiện nay, nông nghiệp đang hướng đến sản xuất giảm rác thải, sản xuất xanh.
Do đó, việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững theo hướng tuần hoàn hữu cơ, chuỗi giá trị là đáp ứng được các yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe.
Về định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng: Nhà nông, doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng dân cư tỉnh nâng cao giá trị sản phẩm chính bằng cách xây dựng chuỗi chế biến sâu, tạo dựng thương hiệu gắn với chất lượng.
“
Hiện nay, Đắk Nông đang có trên 50 trang trại làm du lịch nông thôn dưới nhiều dạng thức khác nhau như trải nghiệm; cắm trại nghỉ dưỡng; khôi phục các truyền thống văn hóa như chợ phiên, nhảy sạp...
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN - PTNT Đắk Nông