Ngày 7/11, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội thảo thúc đẩy ngành hàng cà phê tuân thủ quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu và kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh.
Cà phê là cây chủ lực của Đắk Nông
Hội thảo thu hút sự tham gia của trên 200 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế; các bộ, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong và ngoài tỉnh…
Trên 200 đại biểu dự hội thảo đáp ứng quy định EUDR đối với ngành hàng cà phê tại Đắk Nông (Ảnh: Đức Hùng)
Phát biểu khai mạc hội thảo, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên khẳng định, nông nghiệp là trụ cột nền kinh tế của tỉnh, cà phê là ngành hàng, sản phẩm chủ lực của tỉnh, quốc gia.
Đắk Nông có diện tích cà phê đứng thứ 3 cả nước sau Đắk Lắk, Lâm Đồng, với 140000ha. Cà phê chiếm 37% diện tích cây trồng của tỉnh, sản lượng 360.000 tấn/năm. Đắk Nông có 400.000 người dân tham gia sản xuất cà phê.
Đại biểu quốc tế, các bộ, ngành tham dự hội thảo tại Đắk Nông (Ảnh: Đức Hùng)
Ngày 16/5/2023, Hội đồng châu Âu đã thông qua Dự luật “Quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu”. Theo đó, châu Âu cấm nhập khẩu những mặt hàng nông lâm sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020.
Nhận thấy được tầm quan trọng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương tổ chức triển khai và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể như tỉnh ban hành khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR.
Tỉnh thành lập nhóm công tác công tư cấp tỉnh để triển khai khung kế hoạch hành động thích ứng với EUDR. Đắk Nông chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến; xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện quy định EUDR.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên khẳng định, tỉnh đã chủ động tìm hiểu, triển khai các biện pháp thực thi quy định EUDR (Ảnh: Đức Hùng)
Tuy nhiên, việc thực hiện quy định EUDR vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Đó là văn bản hướng dẫn và tài liệu có liên quan còn hạn chế; cơ sở dữ liệu về rừng và vùng trồng chưa được đồng bộ, chi tiết đến từng lô, mảnh vườn; việc truy xuất nguồn gốc và đăng ký mã số vùng trồng gặp nhiều khó khăn; sự tham gia, đồng hành các bên có liên quan; doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu còn nhiều hạn chế; nguồn lực, kỹ thuật để thực hiện các nội dung, giải pháp can thiệp cần thiết của tỉnh gặp khó khăn.
Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh dự hội thảo (Ảnh: Đức Hùng)
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên hy vọng hội thảo là dịp trao đổi, thảo luận và học hỏi kinh nghiệm để xây dựng lộ trình phát triển các ngành hàng nông sản của Đắk Nông theo hướng bền vững không gây mất rừng trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, hội thảo sẽ thảo luận các nội dung chính về thực trạng sản xuất cà phê của tỉnh những thách thức, cơ hội, các giải pháp, trách nhiệm của các bên trong thực thi EUDR.