image banner
Xây dựng nông thôn mới ở một thành phố trẻ nhất khu vực Tây Nguyên
Thành phố Gia Nghĩa là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Đắk Nông về đích chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với 2/2 xã đạt chuẩn vào năm 2020. Gia Nghĩa ngày nay đã và đang đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn với quyết tâm xây dựng những vùng nông thôn vững kinh tế, giàu bản sắc.  

  

 

Trong căn nhà khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng, ông K'Krai, dân tộc M'Nông, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa rất phấn khởi chia sẻ về sự thay đổi ngoạn mục của gia đình. Mặc dù có đến 5ha rẫy, nhưng trước đây ông làm chỉ đủ ăn. Những năm 2010, khi xã triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, ông được đi học tập các mô hình canh tác hay và hiệu quả. Đi học tập về, ông bắt tay vào làm ngay. Lúc này, ông được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi. Mô hình trồng cà phê, sầu riêng dần thành hình và cho thu nhập ngày càng cao. Giờ đây ông đã là hộ khá giả của bon làng và xã.

"Đi xem những hộ người Kinh làm mô hình trồng cà phê, sầu riêng về mình ước ao lắm. Rồi quyết tâm làm và nay đã thành công. Nói chung bà con bon làng mình học theo người Kinh làm kinh tế rất hiệu quả", ông K'Krai cho biết.

Điểm sáng xây dựng nông thôn mới ở thành phố trẻ nhất Tây Nguyên - Ảnh 1.

Vào năm 2020, thành phố Gia Nghĩa là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Đắk Nông về đích chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với 2/2 xã đạt chuẩn.

Vừa bán vườn sầu riêng Dona rộng hơn 1ha, gương mặt còn giữ nguyên nụ cười được mùa, ông K'Sung, dân tộc M'Nông, trưởng bon Ting Wel Đơm (xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa) phấn khởi chia sẻ đã bán 17 tấn sầu riêng với giá 60.000đồng/kg, năm nay gia đình ông thu về hơn 1 tỷ đồng.

Trưởng bon Ting Wel Đơm, chia sẻ bon có hơn 350 hộ dân, gần 40% là người M'Nông còn lại đa số là người Kinh, nhờ sự cần cù trong lao động sản xuất cùng với đó, là việc học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau. Nên đời sống của bà con trong bon càng ngày càng được nâng cao, nhiều hộ khá giả. Mọi người rất đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển.

"Trước đây đời sống bà con trong bon còn nhiều khó khăn, tuy nhiên gần đây được Đảng, Nhà nước quan tâm bên cạnh đó, là bà con rất tích cực học tập, trao đổi kinh nghiệm với nhau về những cách làm mới, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp như trồng cà phê, hồ tiêu, sầu riêng nên đến nay đời sống bà con nay đã ổn định", ông K'Sung chia sẻ.

Ông Ksrai, dân tộc M'Nông, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đắk Nia cho biết, sau 20 năm từ lúc tái lập tỉnh Đắk Nông, thành lập thành phố Gia Nghĩa, từ một xã thuần nông xã Đắk Nia đã có những sự thay đổi vượt bậc. nhờ các chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền đã giúp cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm của xã ngày càng hoàn thiện.

Cùng với đó, người dân được tiếp cận với các chính sách ưu đãi về vốn vay, cây giống, con giống nên sản xuất ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân đã giúp xã hoàn thành tốt các mục tiêu kinh tế, xã hội.

Điểm sáng xây dựng nông thôn mới ở thành phố trẻ nhất Tây Nguyên - Ảnh 2.

Thành phố Gia Nghĩa ngày nay đã và đang đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn với quyết tâm xây dựng những vùng nông thôn vững kinh tế, giàu bản sắc.

Nhờ đó, năm 2020, xã Đắk Nia đã được công nhận đạt chuẩn nông mới. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã đang phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và cuối năm 2025 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

"Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư nhiều chính sách rất thiết thực cho xã phát triển. Cùng với đó, bà con nhân dân các dân tộc trong xã luôn đoàn kết, đồng lòng, tích cực, chịu khó lao động, sản xuất, học hỏi những mô hình hay, cách làm tốt giúp đời sống, kinh tế ngày càng nâng cao", ông Ksrai nói.

Xây dựng nông thôn mới giàu bản sắc

Đi đôi với phát triển kinh tế, trong xây dựng nông thôn mới, xác xã thuộc thành phố Gia Nghĩa còn đặc biệt chú trọng đến bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống. Không gian văn hoá cồng chiêng được bà con ở từng bon làng gìn giữ, xây dựng các đội cồng chiêng theo nhiều lứa tuổi, từ già tới trẻ để có sự kế thừa, phát huy.

Bên cạnh đó, thành phố cũng xây dựng những đề án để giúp bà con bon làng hình thành các làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, làng nghề làm rượu cần, xây dựng bon du lịch cộng đồng.

Điểm sáng xây dựng nông thôn mới ở thành phố trẻ nhất Tây Nguyên - Ảnh 3.

Đi qua các bon làng của thành phố Gia Nghĩa, là những tuyến đường nhựa, bê tông, nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang.

Bà Quản Thị Ngọc, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Nia, cho biết: "Xã đang thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch, cũng đã được sự hỗ trợ của Sở Văn hoá Thông tin, của Thành phố, hỗ trợ các cơ sở hạ tầng cho các bon. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng duy trì được 2 nghề truyền thống là nghề dệt thổ cẩm và rượu cần".

Thành phố Gia Nghĩa có 2 xã, 6 phường, 64 thôn, bon, tổ dân phố. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền thành phố Gia Nghĩa luôn xác định, cùng với nguồn lực của Nhà nước thì phải huy động được sức dân, có sự đồng thuận của nhân dân. Quá trình thực hiện các dự án, chương trình, cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện dân chủ, công khai, theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Vì vậy, đông đảo các tầng lớp nhân dân đã hưởng ứng chương trình bằng những việc làm thiết thực, phù hợp với khả năng của mình.

Ông Đỗ Tấn Sương, Chủ tịch UBND thành phố Gia Nghĩa khẳng định, nói cho hiểu, làm cho dân tin đã huy động được sức dân để từng bước xây dựng những vùng nông thôn vững kinh tế, giàu bản sắc và đậm nghĩa tình trên địa bàn thành phố.

"Từ nông thôn mới đến nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu người dân được hưởng lợi rất nhiều. Chúng tôi luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích, điện đường trường trạm gắn với các tiêu chí, đặc biệt là đường sá, hạ tầng giao thông sạch sẽ, gọn gàng. Gắn liền với 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đã giúp cho diện mạo nông thôn của các xã thuộc thành phố có nhiều thay đổi, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch, sản xuất, thu nhập được nâng cao", Chủ tịch UBND thành phố Gia Nghĩa cho biết.

Đi qua các bon làng của thành phố Gia Nghĩa, là những tuyến đường nhựa, bê tông, nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang. Cùng với đó là nhiều vườn cây cà phê, hồ tiêu, sầu riêng tươi tốt, mang lại vụ mùa thắng lợi.

Gia Nghĩa đang đặt mục tiêu đến năm 2025 cả 2/2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 1 xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, là địa phương đi đầu và điển hình của tỉnh Đắk Nông trong xây dựng thôn mới.

 

Nguôn: https://danviet.vn/xay-dung-nong-thon-moi-o-gia-nghia-mot-thanh-pho-tre-nhat-khu-vuc-tay-nguyen-20240827175238233.htm?gidzl=1_M0N8HhVLO2x8LJWtPqKG7kZbQTTtTJ6-RSL9mk8GCOvju1cImcLndWsWEOSIG7J-lVL6EogSaoX6vwMW

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
Quang cảnh
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NÔNG THÔN MỚI TỈNH ĐẮK NÔNG
Cơ quan chủ quản: Văn phòng điều phối chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Nông
Giấy phép: số ............/GXN-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông cấp ngày ..............
Địa chỉ:Lầu 3, dãy 2, tòa nhà Sở Nông  nghiệp và PTNT, số 07 đường Trần Hưng Đạo, Phường Nghĩa Trung, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.
Điện thoại: 0261.6288 666                             Fax: 0261.6288 666
Email: vanphongdieuphoidaknong@daknong.gov.vn       

(Ghi rõ nguồn "http://nongthonmoi.daknong.gov.vn/" khi phát hành lại thông tin từ website này)

 
ipv6 ready

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang