Những địa chỉ có sầu riêng ngon nhất ở Đắk Nông
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 4 sản phẩm sầu riêng đạt chứng nhận OCOP 3 sao. 4 sản phẩm này thuộc các chủ thể là Trang trại Gia Trung (TP Gia Nghĩa), Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ dịch vụ Hòa Phát (huyện Đắk Song), HTX Nông nghiệp Thọ Minh (huyện Đắk Mil) và HTX Nông nghiệp dịch vụ Trường Thịnh (huyện Đắk R’lấp).
|
Từ lâu sầu riêng Đắk Nông đã nức tiếng thơm ngon. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Trang trại Gia Trung là một mô hình trồng thuần sầu riêng. Trang trại này của ông Nguyễn Ngọc Trung (tại bon Srê Ú, xã Đắk Nia, TP Gia Nghĩa) với diện tích lên đến 63ha.
Sầu riêng của Trang trại Gia Trung được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và đã cho thu hoạch từ năm 2010. Hàng năm, trang trại này thu hoạch hơn 500 tấn quả tươi, doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng.
Sầu riêng của Trang trại Gia Trung được khách hàng đánh giá rất thơm ngon, mang hương vị đặc trưng của sầu riêng Đắk Nông. Hiện nay sầu riêng của trang trại này có mặt tại hệ thống siêu thị Coopmart toàn quốc.
HTX nông nghiệp Thọ Minh, (tiền thân là Tổ hợp tác Sầu riêng Đức Mạnh) hiện có khoảng 76 ha sầu riêng với 50 xã viên. Sản lượng sầu riêng hàng năm của HTX đạt trên 800 tấn sầu riêng tươi.
Ông Nguyễn Xuân Thọ – HTX Nông nghiệp Thọ Minh – cho biết, năm 2012, ông tham gia Tổ hợp tác Sầu riêng Đức Mạnh. Lúc này, ông cùng 28 hộ dân của tổ hợp tác thực hiện mô hình trồng sầu riêng. Mô hình có quy mô 25ha, kinh phí đầu tư khoảng 4 tỷ đồng.
Mô hình áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và các loại thuốc sinh học. Mô hình được đầu tư hệ thống tưới nước, bón phân được chôn ống cố định để phục vụ chăm sóc vườn cây theo hướng hiện đại, giảm chi phí nhân công…
Sau 4 năm, cây sầu riêng phát triển tốt và cho thu hoạch lứa đầu tiên, ông bắt đầu mở rộng diện tích cũng như các thành viên liên kết. Tổ hợp tác của ông Thọ cũng tiên phong đầu tư nhà kho đông lạnh đầu để sơ chế sầu riêng.
Ông Thọ chia sẻ, trước đây sầu riêng chủ yếu bán quả tươi. Vào chính vụ, sản lượng sầu riêng thu hoạch rất lớn. Điều đó khiến người dân bị động và khó khăn trong việc thu hoạch và tiêu thụ sầu riêng. Ngoài ra, sầu riêng chỉ có một mùa trong năm vào khoảng tháng 7-10, nhưng nhu cầu sử dụng lại quanh năm…
Do đó, việc chế biến sản phẩm sầu riêng tươi tại chỗ trở thành vấn đề cấp thiết. Điều này giúp giải quyết tốt các vấn đề như không bị ép giá, bình ổn giá, nâng cao giá trị sản xuất cho xã viên, giảm chi phí vận chuyển. Sản phẩm sau thu hoạch sẽ được đưa vào chế biến ngay giúp chất lượng được bảo đảm, chủ động nguyên liệu để phục vụ chế biến…
Hiện HTX có 7 kho cấp đông. Vào chính vụ, 7 kho này với khoảng 100 lao động luôn phải hoạt động hết công suất, mỗi ngày bóc múi và cấp đông khoảng 35 tấn sầu riêng tươi. Ngoài thu mua sầu riêng của xã viên, HTX còn liên kết mua sầu riêng của người dân, HTX tại các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Thị trường tiêu thụ chính của HTX hiện nay là Trung Quốc.
Giúp dân tránh nghịch cảnh “được mùa mất giá”
Sầu riêng được trồng trên địa bàn tỉnh Đăk Nông từ lâu, phát triển tốt trên các vùng đất đỏ bazan. Không chỉ riêng những địa chỉ tiêu biểu nói trên, sầu riêng còn được trồng tại nhiều địa phương của tỉnh Đắk Nông. Từ lâu, sầu riêng Đắk Nông đã nức tiếng thơm ngon, đặc biệt là sầu riêng được trồng tại huyện Đắk Mil.
|
Người dân Đắk Nông đang từng bước chuyển sang trồng các giống sầu riêng chất lượng cao được công nhận trên thị trường. Ảnh: Hoàng Hoài. |
Hiện nay, Đắk Nông có khoảng hơn 6 ngàn ha sầu riêng. Trong đó có khoảng 30% diện tích được trồng thuần, Diện tích còn lại được người dân trồng xen canh trong các vườn cà phê, tiêu.
Để sầu riêng đạt năng suất cao, những năm qua, người dân Đắk Nông sử dụng giống chất lượng cao, đã được khẳng định trên thị trường như Monthong, Ri 6 và một số giống tại Đăk Mil.
Giống sầu riêng Đắk Mil nổi tiếng thơm ngon, cơm vàng, dẻo, tỷ lệ cơm cao hơn so với các vùng trồng khác nên được người tiêu dùng ưu chuộng. Sầu riêng Đắk Mil đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Đắk Mil”, đối với sản phẩm sầu riêng tươi.
Khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, người dân đã ồ ạt mở rộng diện tích, thậm chí chặt bỏ một số cây trồng để chuyển sang trồng mới sầu riêng. Để người dân không rơi vào nghịch cảnh “được mùa mất giá”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã tích cực hỗ trợ người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trồng sầu riêng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sầu riêng, mã vùng trồng và cơ sở đóng gói; từng bước quy hoạch, hình thành những vùng sản xuất sầu riêng tập trung đạt tiêu chuẩn để phục vụ tốt hơn cho hoạt động xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có văn bản hướng dẫn, khuyến cáo người dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng.
Nguồn: https://thuonghieusanpham.vn/sau-rieng-dak-nong-com-vang-thom-ngon-nuc-tieng-62585.html?gidzl=aE9dFbKOfYwL-s8nKGUdB9VyO31D1AqltVniOKrN_ooBgpqnIrNm8TxyOMWI0lPpW_XXFJJqpVKeLHsX8W