GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ

TRANG CHỦ » OCOP


Cà phê bột Đắk Ka – chất lượng khác biệt, sản phẩm của chàng nông dân mê nông nghiệp

Thứ năm - 21/09/2023 08:42

 

Với quy trình sản xuất khép kín theo chuỗi giá trị, thương hiệu cà phê Đắk Ka của một nông dân “chính hiệu” đã có chỗ đứng trên thị trường, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân.
Cà phê Rừng Lạnh – ngon, sạch, đậm vị núi rừngEnjoy Coffee – kiểm soát chất lượng từ nông trạiAll Day Coffee, nơi Ngoại trưởng Mỹ thưởng thức cà phê trứng có gì đặc biệt?

Kiên trì đưa sản phẩm ra thị trường

Là thanh niên trẻ nhưng anh Trần Văn Phú (trú thôn 8 xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông) lại có đam mê sản xuất nông nghiệp. Hơn 10 năm trước, anh đã tham gia vào nhóm sản xuất cà phê sạch 4C để học hỏi kinh nghiệm.

Chàng nông dân trẻ Trần Văn Phú. Ảnh: Hoàng Hoài
Chàng nông dân trẻ Trần Văn Phú. Ảnh: Hoàng Hoài

Nhưng được thời gian, nhóm ngừng hoạt động. Phú bắt đầu tìm hướng đi riêng. Sau quá trình sản xuất kinh doanh cà phê, Phú nhận thấy để hạt cà phê đến với các cơ sở rang xay, bao giờ cũng mất một khoản tiền trung gian cho các thương lái, đại lý thu mua. Khoảng chi phí này đã làm giảm một phần thu nhập của người nông dân. Phú nghĩ ra cách khắc phục bằng cách tự đi liên hệ cung cấp cà phê trực tiếp cho các cơ sở rang xay.

Nghĩ là làm, Phú lặn lội xách từng túi hàng mẫu đi “rao bán” tại các nhà máy rang xay cà phê tại TP Hồ Chí Minh. Sau 5 tháng kiên trì, miệt mài đi gõ cửa các đối tác nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Cà phê của HTX được thu hái khi đạt độ chín 100%. Ảnh: Hoàng Hoài.
Cà phê của HTX được thu hái khi đạt độ chín 100%. Ảnh: Hoàng Hoài.

Rồi may mắn cũng mỉm cười. Chàng trai trẻ đã được một nhà máy rang xay nhận ký hợp đồng 1 tấn cà phê nhân kèm theo hàng loạt điều kiện về chất lượng.

Phú chia sẻ: “Mang sản phẩm từ mồ hôi công sức của mình làm ra trực tiếp đi giới thiệu mà bị người ta chê, từ chối, tôi buồn lắm. Nhưng cũng từ đó, tôi nhận ra thị trường đòi hỏi những cái mới, muốn bắt kịp mình phải thay đổi cho phù hợp. Nhận được đơn hàng đầu tiên tôi vui sướng lắm, bao nhiêu mệt mỏi dường như không còn”.

Liên kết tăng giá trị cho hạt cà phê

Hợp đồng của đối tác ngày một tăng, cà phê của gia đình không đủ đáp ứng. Thế nên, năm 2020, anh Phú vận động 18 thanh niên của xã Đắk Ru đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp – Thương mại Công Bằng Đắk Ka cùng khởi nghiệp, cùng sản xuất cà phê sạch.

Cà phê của HTX được tuyển chọn trước khi đưa vào rang xay. Ảnh: Hoàng Hoài.
Cà phê của HTX được tuyển chọn trước khi đưa vào rang xay. Ảnh: Hoàng Hoài.
 

HTX có hơn 100 ha cà phê được trồng, chăm sóc theo hướng chất lượng cao, theo tiêu chuẩn Fine Robusta của Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới. Sản phẩm cà phê của HTX được Hiệp hội này đánh giá cao, đạt từ 80-90 điểm. Tham gia liên kết với HTX, người dân được hưởng giá thành cao hơn thị trường khoảng 20.000 đồng/kg.

Trong tỉnh và khu vực Tây nguyên có rất nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng. Nhưng điều tạo nên sự khác biệt ở sản phẩm hạt cà phê nhân của HTX trên thị trường là ở quy trình chăm sóc, công đoạn sơ chế sau thu hoạch.

Bình thường nông dân hái cà phê đại trà, sau đó phơi quả, tách vỏ, phơi nhân và đem bán. Quy trình của HTX phức tạp hơn, tăng lên vài bước và mất nhiều công đoạn, công sức hơn. Đó là HTX hướng dẫn người dân chia ra nhiều đợt thu hoạch để bảo đảm đạt tỷ lệ quả chín 100%. Cà phê tiếp tục lựa chọn kỹ lưỡng, phơi trong nhà kính, rồi rang xay theo quy trình cà phê đặc sản rất cầu kỳ. Ở quy trình sản xuất nào, HTX cũng đều tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn sạch, an toàn.

Nhờ chú trọng và chất lượng, cà phê của HTX ngày càng được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Hoàng Hoài.
Nhờ chú trọng và chất lượng, cà phê của HTX ngày càng được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Hoàng Hoài.

Mỗi năm, HTX xuất bán hơn 20 tấn cà phê nhân chất lượng cao cho các đối tác trong nước và nước ngoài như Pháp, Canada..

Thời điểm mới thành lập, HTX mới chỉ cung cấp sản phẩm cà phê nhân chất lượng cho các đại lý thu mua để rang xay, chế biến. Trong quá trình cung cấp sản phẩm hạt cà phê nhân, Phú nhận ra rằng như thế sản phẩm của HTX vẫn chưa ai biết đến. Thế nên, anh lại tiếp tục học hỏi để tự rang xay ra sản phẩm của mình. Sau nhiều lần thử nghiệm, anh đã tạo ra được sản phẩm cà phê bột bằng công thức riêng.

Với cách làm của HTX đã và đang hình thành một chuỗi liên kết cà phê bền vững gắn với vùng nguyên liệu cà phê sản xuất cùng một quy trình, hướng tới nâng cao chất lượng hạt cà phê, góp phần nâng tầm vị thế cà phê của Đắk Nông trên thị trường.

Phú nhận định: “Nhu cầu thị trường rất lớn và theo hướng nông sản sạch, theo cách tôi đang làm thì người tiêu sẽ được thưởng thức những ly cà phê mang hương vị đặc trưng của “đại ngàn Mơ Nông”.

Số lượng khách hàng trong nước và xuất khẩu của HTX đang ngày một tăng. Bên cạnh việc tăng diện tích và sản lượng cà phê chất lượng cao để phục vụ thị trường, HTX đã đầu tư xây dựng hơn 2.000m2 nhà xưởng phục vụ sơ chế, chế biến cà phê, trong đó có 800m2 nhà kính với nhiều loại máy móc thiết bị hiện đại.

Năm 2022, sản phẩm cà phê bột của HTX đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Hiện nay, HTX được huyện chọn làm HTX điểm để phát triển mô hình cà phê chất lượng cao và được UBND tỉnh tuyên dương là một trong những HTX điển hình tiên tiến của tỉnh giai đoạn 2021 – 2023.

Nguồn: https://thuonghieusanpham.vn/ca-phe-bot-dak-ka-chat-luong-khac-biet-san-pham-cua-chang-nong-dan-me-nong-nghiep-63033.html&tlive=1695224682?gidzl=qN44PRaSo1RKQ05glGF95Trg0Mwg1S4IbseDFwfMan71FLnlh5IS79Hg03Rr0vfEoMu0OpHPMlXBkHdF6W

Click để đánh giá bài viết:
Từ khóa:

Phản hồi đã đóng.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn